Ngày 25-11, Bộ Xây dựng và Hiệp hội bất động sản (BĐS) Việt Nam đã tổ chức hội thảo: “Một số kiến nghị và giải pháp tháo gỡ khó khăn để phục hồi thị trường BĐS trong giai đoạn hiện nay”. Nhiều chuyên gia đã tích cực góp ý để thực hiện mục tiêu khôi phục thị trường nhà, đất sau thời gian dài ngủ đông.
Cần sửa đổi nhiều luật
Mở đầu hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh nhấn mạnh: Năm 2021 với sự bùng phát trở lại của dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường bất động sản (BĐS) cả nước, nhất là tại Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh phía Nam.
Hiện lượng cung BĐS đang giảm đáng kể, lượng dự án cấp phép mới và dự án đang xây dựng đều giảm. “Nguồn cung về nhà thương mại giá rẻ gần như không có. Riêng nhà ở xã hội chỉ có sáu dự án được cấp phép, 11 dự án được hoàn thành. Con số này là rất khiêm tốn” – ông Sinh nói.
Hiện nguồn cung BĐS mới chỉ bằng khoảng 50% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó có 201 dự án nhà ở thương mại với 84.544 căn được cấp phép, 125 dự án với 15.525 căn hoàn thành.
Riêng dự án du lịch nghỉ dưỡng và văn phòng kết hợp lưu trú có tới 46 dự án mới với 10.009 căn hộ du lịch, 2.112 biệt thự du lịch được cấp phép. Có 12 dự án với 165 căn văn phòng kết hợp lưu trú hoàn thành.
Thứ trưởng nhấn mạnh đến những bất cập hiện nay trong lĩnh vực BĐS như nhà thương mại cao cấp, giá cao thì nhiều mà dự án nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội cho công nhân thì ít, chưa đáp ứng được yêu cầu. Bên cạnh đó, nhiều dự án BĐS chưa đảm bảo tính pháp lý, giao dịch BĐS có nhiều tồn tại, đặc biệt là hiện tượng sốt ảo, nhiễu loạn thị trường.
Sắp tới, Bộ Xây dựng sẽ đề xuất Chính phủ một số giải pháp để thúc đẩy nguồn lực cho thị trường. Cụ thể như đề xuất sửa đổi Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS với nhiều nhóm chính sách, trong đó có chính sách tạo thêm nguồn cung; tập trung rà soát lại các dự án để tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp; đẩy mạnh cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội và TP.HCM; giải quyết vấn đề cấp giấy chứng nhận cho người dân tại các dự án…
thị trường bất động sản nhiều địa phương đang có những bước khởi sắc sau thời gian giãn cách xã hội. Ảnh minh họa: QUANG HUY
Doanh nghiệp cần chính sách và vốn
Tại hội thảo, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho hay ảnh hưởng của dịch COVID-19 tác động rất mạnh đến thị trường BĐS, khiến nguồn cung sụt giảm mạnh. Giao dịch trên thị trường thường xuyên đối mặt với tình trạng đứt gãy, gián đoạn, trạng thái thị trường biến động mạnh, khi sốt cao lúc lại trầm lắng.
“Tình trạng mất cân đối cung – cầu rất nghiêm trọng, diễn ra ở nhiều đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM. Giá BĐS nói chung đã leo thang và leo ở mức cao. Tại TP.HCM, giá BĐS hiện nay tăng gấp hai lần và không có dấu hiệu giảm” – ông Đính nói.
Ông Đính kiến nghị đợt rà soát, sửa các luật về đất đai, nhà ở sắp tới cần tập trung tháo gỡ các nút thắt trong thủ tục phê duyệt đầu tư dự án. Ông cũng đề nghị thành lập cơ quan chuyên biệt có năng lực và khả năng tiếp nhận, xử lý vướng mắc thuộc thẩm quyền của Chính phủ nhằm hỗ trợ các địa phương tháo gỡ vướng mắc thủ tục; đồng thời đôn đốc địa phương đẩy mạnh tiến độ phê duyệt thủ tục đầu tư cho các dự án.
Liên quan đến vấn đề thủ tục, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, nhận định BĐS là ngành kinh doanh có thủ tục pháp lý phức tạp, phải chịu sự điều chỉnh của 12 luật khác nhau.
“Chỉ riêng quy trình thu hồi đất là trên 100 bước, cực kỳ dài dòng khiến doanh nghiệp rất khó khăn, dẫn đến ách tắc trong việc triển khai dự án. Để BĐS trở thành động lực phát triển cho cả nền kinh tế thì phải sớm tháo gỡ các vướng mắc này” – ông Hiệp nói.
Lý giải việc thiếu nguồn cung, TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ Quốc gia, cho rằng còn có nguyên nhân mua gom, đầu cơ dự án. Thị trường đã có hiện tượng nhiều doanh nghiệp với bóng dáng ngân hàng đứng sau ôm đất rồi để không, trong khi doanh nghiệp khác thiếu đất làm dự án.
“Nguyên nhân là do thể chế, pháp lý không minh bạch, rõ ràng. Chúng ta cần rà soát lại toàn bộ quỹ đất để thu hồi hoặc đánh thuế thật mạnh đối với các dự án mua gom, đầu cơ” – ông Nghĩa góp ý.
Ngoài ra, ông Nghĩa bổ sung một giải pháp là phải ưu tiên, ưu đãi về tín dụng cho những doanh nghiệp BĐS có dự án tốt, có chính sách giải ngân vốn cho BĐS hợp lý hơn.
Sắp tới, Chính phủ sẽ đưa ra gói hỗ trợ 15.000 tỉ đồng để xây dựng nhà ở xã hội và nhà ở công nhân. Cùng với đó là gói hỗ trợ doanh nghiệp trị giá 40.000 tỉ đồng để cấp bù lãi suất với biên độ 2%. Trong năm nay, Bộ Xây dựng cũng sẽ trình Chính phủ ban hành Chiến lược nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, trong đó chú trọng nội dung phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người nghèo, vùng lũ lụt |